Bạn đang ở :   Tin tức-Sự kiện > Tin hoạt động
    Đăng Nhập
TIN HOẠT ĐỘNG

Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng liên kết chuỗi giá trị

Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn chủ động liên kết với các hộ nông dân, doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị sản phẩm; đồng thời tích cực đẩy mạnh sản xuất tạo ra sản phẩm sạch và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và người nông dân...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 109 HTX đang hoạt động. Phải nhìn nhận rằng, dù chưa thực sự mạnh, nhưng một số HTX trên địa bàn đã dần khẳng định được vai trò của mình trong việc góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cơ sở.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay một số HTX trên địa bàn đã chuyển đổi, thành lập mới hoạt động đúng Luật và có chiều hướng phát triển ổn định, sản xuất kinh doanh có lãi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và tham gia đóng góp ngân sách địa phương. Các HTX tham gia, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển của địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. 

Vườn bơ sạch của các thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Rạng Đông

Qua tìm hiểu thực tế tại một số HTX trên địa bàn cho thấy, điều đáng mừng là các HTX chủ động liên doanh, liên kết như: liên kết giữa nông dân với HTX; HTX, tổ hợp tác (THT) với doanh nghiệp; HTX với HTX... Việc liên kết được thực hiện thành chuỗi giá trị từ việc cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, THT và doanh nghiệp... Chính sự liên kết ấy mang lại hiệu quả rõ rệt và trên thực tế, một số HTX đã thành công, tạo ra thương hiệu riêng của mình.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn (huyện Kon Plông) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông). HTX đã liên kết với 33 hộ dân nghèo của xã Măng Cành, cam kết thu mua và bao tiêu tất cả sản phẩm: hồng đẳng sâm, đương quy... Hiện nay, các sản phẩm nói trên của HTX đã được chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài ra, HTX liên kết với một số doanh nghiệp và các đại lý bán lẻ tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước để tiêu thụ các loại sản phẩm: cao sâm hỗn hợp, cao sâm đương quy, cao hồng đẳng sâm, cao sâm hỗn hợp, cao an xoa, rượu sâm...

Hay HTX Công bằng Pô Kô (Pô Kô Farms, huyện Đăk Hà) đã liên kết với Công ty Cà phê Huy Hùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xuất khẩu cà phê ra thị trường châu Âu và Mỹ. Pô Kô Farms chuyên sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Fairtrade và phân phối cà phê Fairtrade, đã xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ. Đến nay, Pô Kô Farms đã tăng số lượng đến 118 thành viên. Diện tích liên kết của HTX hiện tại có khoảng 200ha, với sản lượng hơn 800 tấn hạt cà phê.

Ông Đặng Đình Lập - Phó Giám đốc HTX Công bằng Pô Kô cho biết: Các thành viên tham gia vào HTX phải tuân thủ sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn của quốc tế, đảm bảo sạch chất lượng, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm thu hái phải đảm bảo 100% cà phê chín.

“Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp cà phê ổn định và đáng tin cậy bằng cách cung cấp hạt cà phê chất lượng Fairtrade với quy trình sản xuất minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc cà phê...”- ông Đặng Đình Lập nhấn mạnh.

Tương tự, HTX Cựu quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) tiến hành liên kết với HTX Quyết Thắng (huyện Ngọc Hồi), HTX Nông nghiệp xanh Kon Rẫy (huyện Kon Rẫy) và các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn chuyển giao mô hình trồng các loại nấm đến người dân. Để bảo đảm số lượng chất và lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, HTX thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng nấm, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Hiện nay, sản phẩm nấm của HTX đã tạo được thương hiệu, được phân bổ tại hệ thống siêu thị Home Mark trong cả nước và đưa đi các đầu mối ở Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Mô hình trồng nấm giống của HTX mang lại hiệu quả cao và được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi.

Bên cạnh những HTX đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, khẳng định được thương hiệu sản phẩm của mình thì đối với HTX mới được thành lập, việc hướng đến sản xuất kinh doanh đa ngành nghề hoặc một ngành nghề cụ thể, hình thành liên kết chuỗi giá trị sản phẩm sạch đang là hướng đi được nhiều HTX lựa chọn.

HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Hợp Thành (huyện Ngọc Hồi) là một trong những HTX “sinh sau đẻ muộn”, ngay từ khi thành lập đã lựa chọn kinh doanh đa ngành nghề. Thành viên HTX là các cựu chiến binh. Họ tập hợp nhau cùng xây dựng HTX kinh doanh đa ngành nghề từ xây dựng, thi công công trình cơ sở hạ tầng đến thu mua nông sản, sản xuất, kinh doanh, buôn bán cây con giống các loại. Dù mới thành lập, nhưng hoạt động của HTX từng bước khẳng định được vai trò của mình trong hoạt động kinh tế, đáp ứng nhu cầu xã hội và đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Bờ Y. Các thành viên HTX tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông và xây dựng chợ nông thôn xã Bờ Y, đồng thời tham gia quản lý chợ nông thôn Bờ Y. Chỉ tính riêng năm 2018, HTX đạt tổng doanh thu hơn 5 tỷ đồng và cho lãi hơn 300 triệu đồng. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp làm tiền đề để HTX tiếp tục phát triển. 

Mô hình trồng dâu tây của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Hợp Thành

Ông Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết: Chính quyền đánh giá cao vai trò của HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Hợp Thành trong việc tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, giúp xã hoàn thành tiêu chí 13 về xây dựng nông thôn mới. Hoạt động của HTX luôn gắn kết với người nông dân, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.  

HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum đứng chân trên địa bàn xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) lại chọn hướng đi sản xuất chăn nuôi gà dược liệu. Toàn bộ thức ăn cho gà đều được lấy từ các loại thảo dược. Điều đáng nói là, tất cả các loại thức ăn đều được ủ lên men để làm chín thức ăn, gà ăn sẽ tiêu hóa triệt để thức ăn, phân thải ra ít và giảm mùi hôi tuyệt đối. 

Để tạo niềm tin cho khách hàng, HTX đã tạo kiểm chứng của khách hàng qua việc gắn loại tem truy xuất nguồn gốc gà dược liệu KBV. Tem được buộc vào chân gà, khách hàng dùng điện thoại quét vào tem, có thể truy xuất thấy được toàn bộ quy trình chăn nuôi thể hiện hình ảnh. Đây cũng là cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sản phẩm gà dược liệu của HTX. Sau 2 năm nuôi thử nghiệm, đến năm 2018, trang trại của HTX nuôi gà số lượng lớn, với 4 lứa, cứ 3.000 con gà/lứa. Bình quân mỗi tháng xuất 1.000 con gà, chủ yếu cho thị trường Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai và Kon Tum với giá 150.000-170.000 đồng/kg.

Trang trại của HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum sẵn sàng phổ biến cho nông dân kinh nghiệm chăn nuôi, nhất là với đồng bào thiểu số địa phương. HTX sẽ đầu tư cho hộ nuôi từ con giống đến kỹ thuật, có cả camera theo dõi, chỉ cần hộ nuôi tuân thủ theo đúng phương pháp nuôi, HTX sẽ thu mua lại sản phẩm. Một khi tạo sản phẩm ổn định, người nông thôn có thể thoát nghèo nhờ nuôi gà dược liệu - ông Huỳnh Thanh Tú khẳng định.

Ông Nguyễn Lâm Cảnh- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Các HTX trên địa bàn đã phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển; một số HTX đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong quản lý và sản xuất kinh doanh. Các HTX tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần mở mang các loại ngành nghề, tăng thu nhập cho hàng ngàn thành viên và người lao động, tăng hiệu quả sản xuất của kinh tế hộ gia đình, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Cảnh thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của các HTX: Sự liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX còn yếu; quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, hiệu quả thấp, không có tích lũy để tái sản xuất; sử dụng nguồn lao động chưa nhiều, giải quyết việc làm cho lao động chưa ổn định, còn mang tính thời vụ, thu nhập các thành viên, người lao động trong một số HTX còn thấp...

Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để HTX phát triển; thường xuyên tạo điều kiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho các HTX; khuyến khích thành lập HTX, THT phát triển ở các địa phương xây dựng thành chuỗi liên kết... Tuy nhiên, để đứng vững trên thị trường, bản thân các HTX cũng cần nỗ lực, đổi mới phương thức kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, năng động hơn nữa trong việc liên doanh liên kết với nhân dân và các doanh nghiệp xây dựng, tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường mang thương hiệu của riêng mình... Ngoài ra, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX phát triển, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

                                                                                                           Bài, ảnh: Văn Phương Báo Kon Tum

Đăng bởi : Administrator Account Ngày đăng : 11/04/2019 Lượt xem : 473
Quay Về

HÌNH ẢNH
Get the Flash Player to see this rotator.
THÔNG BÁO
THÔNG TIN CHUNG
Website liên Kết