Tình hình tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến tháng 9 năm 2016
Tính đến tháng 9 năm 2016 toàn tỉnh hiện có 113 THT với 1650 thành viên; trong đó có 92 THT hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Các THT phần lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện các hoạt động như: chăn nuôi bò, heo, gà, cá nước ngọt, trồng nấm, sản xuất giống lúa,v.v. thành viên tham gia góp vốn, công lao động cùng sản xuất – kinh doanh và giúp nhau áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên…
Toàn tỉnh hiện nay có 63 HTX trong đó: 55 HTX đang hoạt động; 08 HTX xin tạm ngưng hoạt động.
Đối với 55 HTX đang hoạt động thu hút 8.389 thành viên và người lao động (9 tháng đầu năm thành lập mới 05 HTX); số HTX đã chuyển đổi theo Luật 2012: 40/55 HTX (chiếm 72,7%), vốn hoạt động của HTX trên tất cả các lĩnh vực: 239.170 triệu đồng; doanh thu bình quân khoảng: 1.787 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân khoảng: 214,1 triệu đồng /HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên khoảng: 27 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX 35 triệu đồng/người/năm.
Trên từng lĩnh vực, đều có các HTX hoạt động ổn định và mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Lĩnh vực nông nghiệp có 20 HTX: Một số HTX chủ động tổ chức nhiều hoạt động sản xuất - dịch vụ, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu cho hợp tác xã và người dân; hỗ trợ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra phục vụ sản xuất cho thành viên và nhân dân; còn lại hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu nhập của xã viên và người lao động thấp.
Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có 09 HTX: Loại hình sản xuất mộc dân dụng, sản xuất mây tre, tăm, nhang tạo việc làm và tăng thu nhập ốn định cho thành viên; khó khăn nhất là đối với các HTX dệt thổ cầm, sản xuất gạch ngói truyền thống quy mô hoạt động nhỏ, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh, khó tiêu thụ, nên chỉ hoạt động cầm chừng.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ có 07 HTX: Chủ yếu phát triển ở địa bàn nông thôn, nhờ việc tổ chức tốt một số dịch vụ bán hàng... nên đã thu hút số lượng khách hàng ngày càng đông và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; đã góp phần phát triển lưu thông hàng hoá, tiêu thụ nông sản và tham gia cung ứng vật tư nông nghiệp cho nhân dân tại địa bàn.
Lĩnh vực xây dựng có 03 HTX: Đều hoạt động hiệu quả, huy động được nguồn vốn, tham gia đấu thầu nhiều công trình trong tỉnh, giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động trong HTX.
Lĩnh vực giao thông vận tải có 08 HT: Các HTX đã chú trọng huy động vốn hoạt động, mua sắm tài sản, đổi mới phương tiện, kết nạp thêm thành viên để tham gia vận tải hàng hóa, hành khách; các HTX đều hoạt động ổn định và phát triển, góp phần giải quyết tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có 03 HTX: Chủ yếu đánh bắt trên lòng hồ thủy điện, nuôi cá tầm, cá hồi; hiện nay gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi và giá cả đầu ra thấp, chỉ hoạt động cầm chừng.
Lĩnh vực tín dụng có 05 Quỹ TDNN: Phát triển tốt, thu hút thêm thành viên, hoạt động ngày càng hiệu quả và nhận được sự ủng hộ các cấp chính quyền; thông qua hoạt động đã thể hiện rõ vai trò trong tương trợ cộng đồng, nâng cao ý thức tiết kiệm và tích lũy của người dân, những đồng vốn nhàn rỗi được huy động để đưa vào đầu tư phục vụ cho phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ; hạn chế tệ nạn như hụi, họ, cho vay nặng lãi; nâng cao ý thức làm ăn, kinh doanh, sử dụng đồng vốn trong nhân dân; góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế tập thể vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Còn một số Hợp tác xã chưa chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Số Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoạt động kém hiệu quả vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Quy mô của các HTX, THT trên địa bàn nhỏ, chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành nghề; chưa có các hình thức liên doanh liên kết khu vực HTX với HTX và các tổ chức doanh nghiệp. Một số cơ chế, chính sách đến với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác chưa nhiều, nhất là việc tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai, đào tạo và khoa học công nghệ. Trình độ, năng lực của cán bộ cũng như lao động của HTX còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Hợp tác xã.
Bùi Đắc Trực