TUYÊN TRUYỀN NGÀY 11/4
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ VÀ LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM
(Tài liệu tuyên truyền nhân Kỷ niệm 76 ngày Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia Hợp tác xã nông nghiệp và 11 năm ngày Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 11/4 là Ngày Hợp tác xã Việt Nam)
I. Lịch sử hình thành và phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam
1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1955: Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí minh, hợp tác xã được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác giản đơn như tổ vần công, tổ đổi công. Ngày 08 tháng 3 năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Hợp tác xã thuỷ tinh Dân Chủ được thành lập, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã cùng với kết quả của cải cách ruộng đất đã góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ, có những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo hậu cần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.
2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1961: Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển hợp tác xã trong các ngành kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau giai đoạn thí điểm, đến năm 1960 cả nước đã có hơn 50.000 hợp tác xã được thành lập trong các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, ngư nghiệp, tín dụng, ... thu hút đại bộ phận hộ nông dân, hộ kinh tế cá thể và người lao động tham gia. Các hợp tác xã góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ cao, hình thành quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn tư liệu sản xuất, đất đai và sức lao động; đưa những hộ nông dân, những người sản xuất nhỏ, thợ thủ công, tiểu thương vào làm ăn hợp tác trong các hợp tác xã theo đường lối của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
3. Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1965: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các hợp tác xã bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng ngàn hợp tác xã trong các lĩnh vực phi nông nghiệp được thành lập, thu hút hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia. Hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực ngoài những đóng góp đáng kể về kinh tế, còn có vai trò quan trọng về mặt xã hội, như giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống. Các hợp tác xã còn chú trọng giáo dục tinh thần yêu Nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, nâng cao giác ngộ chính trị cho đông đảo quần chúng lao động; đồng thời là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung cán bộ cho địa phương.
4. Giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1975: Khi Đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc, quy mô chiến tranh mở rộng. Với khẩu hiệu “tất cả để chiến thắng”, “tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, “vì miền Nam ruột thịt”, ... khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc. Đến cuối năm 1974, toàn miền Bắc có hơn 46.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực. Các hợp tác xã đã động viên được sự lao động quên mình của các xã viên hợp tác xã, vừa sản xuất vừa chiến đấu, với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tay cày tay súng”, vừa sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng chi viện cho miền Nam, vừa tổ chức các đơn vị tự vệ, tham gia chiến đấu, đánh trả máy bay địch, bảo vệ quê hương. Nhờ có hợp tác xã, chúng ta đã huy động cao độ được sức người, sức của cho tiền tuyến, hàng triệu thanh niên trai tráng nông thôn ra mặt trận, đánh giặc cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Các hợp tác xã còn làm nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân thực hiện công tác hậu phương quân đội, trực tiếp chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ; tiếp nhận các chiến sĩ, thương bệnh binh từ mặt trận về tham gia sản xuất. Các hợp tác xã còn là nơi giáo dục, nâng cao ý thức chính trị cho quần chúng nhân dân, xây dựng nếp sống văn hoá, đề cao tình làng nghĩa xóm, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp tích cực vào những thành tựu của cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá ở nông thôn.
5. Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1997: Sau chiến thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975, kinh tế tập thể, hợp tác xã được phát triển và lan rộng tới các tỉnh, thành phố phía Nam. Đến năm 1986, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển cao nhất so với trước đây , cả nước có 76.000 hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia và có những đóng góp to lớn như: Các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất hơn 80% sản lượng lương thực, thực phẩm của cả nước; Các hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra một khối lượng hàng hoá chiếm 30% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc và gần 50% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương; Các hợp tác xã mua bán đã chiếm gần 20% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ của thị trường xã hội và đại lý thu mua uỷ thác hơn 60% sản lượng hàng hoá nông sản, thực phẩm cho cả nước; Các hợp tác xã vận tải vận chuyển hơn 45% khối lượng hàng hoá và 50% khối lượng hành khách vận chuyển của các địa phương, ...
Tuy nhiên, khi cơ chế quản lý tập trung bao cấp được xoá bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước từng bước được hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế; phần lớn các hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế không kịp thích ứng, rơi vào tình trạng khó khăn, lúng túng, nhiều hợp tác xã sản xuất kinh doanh thua lỗ bị tan rã, giải thể, số lượng hợp tác xã giảm mạnh.
6. Giai đoạn từ năm 1997 trở lại đây: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có những chuyển biến quan trọng. Đặc biệt, kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên ra đời (tháng 3/1996) và chính thức có hiệu lực từ 01/01/1997 và tiếp đó là Luật Hợp tác xã 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực hợp tác xã phát triển. Đảng có Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể, hợp tác xã (Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”), nhiều kết luận, chỉ thị về kinh tế tập thể, hợp tác xã,... Các hợp tác xã từng bước chuyển đổi và đăng ký lại cho phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường; quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong các hợp tác xã được tăng cường; vai trò tự chủ của hợp tác xã được đề cao, thành viên tham gia hợp tác xã một cách tự nguyện, nhiều hợp tác xã đã xây dựng được phương án hoạt động phù hợp, huy động được sự tham gia đóng góp của thành viên; mô hình hợp tác xã mới, mô hình hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều hợp tác xã mới được thành lập trong các ngành, lĩnh vực kinh tế với các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động đa dạng. Nhiều hợp tác xã, thành viên tham gia không chỉ bao gồm cá nhân mà còn gồm các chủ trang trại, hộ tiểu chủ, nhà khoa học, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, một số hợp tác xã có cả thành viên là doanh nghiệp Nhà nước tham gia. Trong các hợp tác xã mới thành lập có nhiều mô hình hợp tác xã mới như hợp tác xã y tế, hợp tác xã vệ sinh môi trường, hợp tác xã nước sạch, hợp tác xã dịch vụ tang lễ, ...
Năm 2021, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với hợp tác xã kiểu mới. Tính đến 31/12/2021, cả nước có 27.394 hợp tác xã, tăng 2.283 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2020; 108 liên hiệp hợp tác xã, 119.710 tổ hợp tác. Trong đó có 18.146 hợp tác xã nông nghiệp, 2.078 hợp tác xã thương mại và dịch vụ, 1.632 hợp tác xã vận tải, 2.446 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 850 hợp tác xã xây dựng, 523 hợp tác xã môi trường, 538 hợp tác xã khác, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thu hút hơn 8 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động tham gia, tăng 23,453 thành viên (đại diện hộ gia đình) so với năm 2020, trung bình 260 thành viên/HTX; thu nhập bình quân đạt 47,5 triệu đồng/năm/lao động; tổng vốn điều lệ HTX đạt gần 50 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 184 nghìn tỷ, hơn 40% HTX hoạt động có hiệu quả.
II. Lịch sự hình thành và phát triển của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Cùng với quá trình hình thành và phát triển phong trào hợp tác xã ở Việt Nam, các tổ chức đại diện và hỗ trợ cho khu vực hợp tác xã lần lượt được thành lập, đáp ứng yêu cầu tư vấn, hỗ trợ cho các hợp tác xã phát triển theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Năm 1955, Ban quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua bán trong phạm vi toàn quốc. Năm 1978, Liên hiệp hợp tác xã tiểu - thủ công nghiệp Trung ương (gọi tắt là Liên hiệp xã Trung ương) được thành lập với nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiểu - thủ công nghiệp cả nước.
Năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 81-CT giải thể Liên hiệp xã Trung ương và Quyết định số 82-CT thành lập Ban trù bị Đại hội thành lập Hội đồng Trung ương các Hợp tác xã và các đơn vị sản xuất ngoài quốc doanh. Năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định số 409-CT thành lập Hội đồng Trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thành viên bao gồm tất cả các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh đang hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Năm 1993, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, trong 02 ngày, 29 và 30 tháng 10 năm 1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các Hợp tác xã Việt Nam lần thứ nhất thành lập Hội đồng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ đại diện và hỗ trợ cho tất cả các hợp tác xã hoạt động ở các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.
Đến nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã trải qua 06 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển về tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam gắn với quá trình củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổ chức của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được kiện toàn từ Trung ương đến tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 là dấu mốc lịch sử trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - Sau 27 năm thành lập và phát triển, lần đầu tiên hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thống nhất nhiệm kỳ Đại hội và thống nhất Điều lệ về nội dung, hình thức và hiệu lực.
Năm 2021, năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề, song hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có những chuyển biến tích cực, bám sát Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chức năng, nhiệm vụ để tổ chức các hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu của các hợp tác xã và thành viên; tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; vị thế, uy tín của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ở trong nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục được nâng cao. Kết quả nổi bật:
(1) Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức triển khai kịp thời, sáng tạo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 88/NQ-LMHTXVN ngày 22/3/2021 của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam; phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1328/QĐ-TTg ngày 23/7/2021 phê duyệt Điều lệ Liên minh HTX Việt Nam và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn hệ thống.
(2) Tập hợp ý kiến, nguyện vọng của HTX để kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội các biện pháp, chính sách hỗ trợ HTX giảm thiểu thiệt hại và khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; triển khai chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; tham gia hoàn thiện, triển khai các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, đào tạo, khoa học công nghệ; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ do Ban chỉ đạo Trung ương phân công về Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2003 về KTTT, HTX, Tổng kết 15 năm Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tổng kết 10 năm Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về đất đai, Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012; tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển KTTT, HTX, Chương trình nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vũng, hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng bảo hiểm xã hội Việt Nam và đối tác 3 bên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
(3) Đổi mới công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; đăng tải 29.056 tin, bài, 6.290 ảnh, 181 video, phát hành 2.951 tài liệu, sổ tay tuyên truyền, tổ chức 396 hội nghị, tập huấn tuyên truyền về KTTT, HTX cho cán bộ, viên chức của sở, ngành, huyện, cán bộ và thành viên HTX, người dân; triển khai các phong trào thi đua; đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cổng thông tin tri thức HTX, phần mềm quản lý văn bản điều hành của Liên minh HTX Việt Nam với trục liên thông văn bản quốc gia.
(4) Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các HTX; đổi mới công tác hướng dẫn, tư vấn và xử lý đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai, tài sản; hỗ trợ, cung ứng dịch vụ cho HTX về xúc tiến thương mại, tín dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiếp thị, sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh. Từ tháng 8/2021 đến nay, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam triển khai Chương trình số 503/CTr-LMHTXVN về kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa cho HTX, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, với 240.000 tấn nông sản và hàng ngàn đơn vị sản phẩm khác, giá trị gần 7.600 tỷ đồng qua cổng Thông tin điện tử kết nối cung - cầu (B2B) của Liên minh HTX Việt Nam.
(5) Tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường liên kết hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác; tăng cường kỷ cương hiệu quả trong công tác thông tin báo cáo; đổi mới lề lối làm việc, tổ chức họp, làm việc trực tuyến, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ và quy định về phòng, chống dịch; chủ động, tích cực đề xuất với bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương về giải pháp hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; hỗ trợ THT, HTX, liên hiệp HTX sản xuất an toàn, linh hoạt, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh...
Với những thành tích đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các thành viên đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2005, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007, Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2007, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2010, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2018, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2020; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”; nhiều Liên minh HTX tỉnh, thành phố, thành viên, tập thể và cá nhân được tặng Huân chương các hạng, cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và danh hiệu thi đua khác,...
III. Ý nghĩa ngày Hợp tác xã Việt Nam 11/4
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng Hợp tác xã vào Việt Nam. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong cuốn “Đường cách mệnh” viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của hợp tác xã, Người đã nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận hợp tác xã đều nằm trong điều ấy. Người còn nói về tính chất hợp tác xã là tổ chức kinh tế - xã hội; cách tổ chức hợp tác xã phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và đi từ thấp đến cao.
Ngay sau Cách mạng Tháng 8 thành công năm 1945, ngày 11 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia Hợp tác xã nông nghiệp. Trong thư Bác Hồ đã viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có Hợp tác xã”; “... Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Trong thư Người còn viết: “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”. Người tha thiết kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên Hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có Hợp tác xã”.
Sau 19 năm, cũng vào ngày (11 tháng 4 năm 1964), Bác Hồ gửi thư cho Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những Hợp tác xã điển hình tiên tiến, và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các Hợp tác xã nông nghiệp phát triển.
Với ý nghĩa của ngày 11 tháng 4, ngày đánh dấu 02 sự kiện quan trọng đối với phong trào Hợp tác xã của Việt Nam, Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 thống nhất trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 11 tháng 4 hàng năm là Ngày Hợp tác xã Việt Nam (Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011).
LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM